Bao bì và nhãn mác đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm của khách hàng. Do đó, khâu thiết kế và sản xuất bao bì luôn được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, song song với đó, chính là sự phát triển của ngành in ấn Việt Nam.
Ngành in Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ hàng hóa
Thị trường ngành in ấn nói chung và in ấn bao bì nói riêng ở nước ta hiện nay, dù chưa tạo được nhiều đột phá vì gặp phải một số khó khăn nhất định, nhưng cũng đang phát triển nhanh và không có dấu hiệu ngừng lại.
Ngành in ấn
Ngành công nghiệp in Việt Nam tuy còn nhiều hạn chế, nhưng sự tăng lên của các doanh nghiệp cũng như sự hoàn thiện trong từng sản phẩm luôn mang đến một tương lai đầy hứa hẹn. Nhìn chung, ngành in ấn trong nước được chia thành 4 phân ngành: sách, báo và tạp chí, nhãn mác và bao bì, tài liệu.
Dưới đây chính là sơ đồ khái quát của công nghiệp in ấn trong nước.
Tuy đang từng bước vươn lên, nhưng sau hơn 3 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành công nghiệp này vẫn chưa đủ khả năng để gia nhập với thị trường quốc tế. Khi sự thiếu hụt nguyên liệu và công nghệ cao là một trở ngại chưa thể vượt qua, sự bùng nổ của internet và truyền thông kĩ thuật số hiển nhiên trở thành mối đe doạ vô cùng lớn, đè nặng lên sự phát triển của ngành in ấn. Theo số liệu được thống kê bởi VPA, so với 2 năm trước đây, số lượng các báo chính trị – kinh tế – xã hội và tạp chí được xuất bản giảm mạnh, lên đến 20-30%. Trong khi đó, con số dành cho sách tham khảo và từ điển thậm chí còn đạt đến 50%.
Không chỉ có vậy, ngành công nghiệp in ấn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mà giá cả của giấy dùng cho in ấn không rõ ràng, tiếp đó chính là sự thay đổi liên tục của chi phí nguyên liệu, lãi suất. Các doanh nghiệp hiển nhiên đã nhiều phen phải lao đao vì sự lên xuống thất thường này, không ít chủ doanh nghiệp đã phải đặt mình trước câu hỏi tiếp tục đầu tư, thu hẹp sản xuất, hay ngừng lại. Không dừng lại ở đó, một thời gian, sự tăng lên của số lượng doanh nghiệp đã khiến thị trường in ấn vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng vất vả hơn khi mà lượng cung vượt lên hẳn nhu cầu của khách hàng. Kéo theo hậu quả về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và thậm chí cả với các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài nước.
So với sự phát triển của những ngành công nghiệp, thị trường in ấn vẫn đang đối mặt với khó khăn mỗi ngày, không ngừng chạy đua để chiếm được vị thế. Trong đó, một số khách hàng lại nhận được lợi ích từ việc này, cố tình đẩy giá thành lên cao để chèn ép các doanh nghiệp.
Ngành bao bì
Tương tự như in ấn, ngành bao bì trong nước cũng được chia thành 5 phân ngành khác nhau, bao gồm: bao bì nhựa, carton, thủy tinh, kim loại và những loại khác.
Đây chính là sơ đồ thể hiện rõ ràng thị trường bao bì trong nước.
Khi mà nhiều ngành công nghiệp đã hạn chế hoàn toàn việc sử dụng lao động con người trong sản xuất, áp dụng công nghệ kĩ thuật cao để hoàn thiện sản phẩm, thì bởi vì không có sơ đồ thiết kế hoàn chỉnh, ngành bao bì đành thực hiện các qui trình sản xuất bằng tay suốt một thời gian dài. Hình thức này không chỉ tốn khá nhiều thời gian, sản phẩm làm ra cũng không thể đạt được độ tinh xảo như công nghệ cao, hơn nữa, việc không thể xác định các thông số trong quá trình sản xuất và khả năng chịu lực của vật liệu cũng gây ra những ảnh hưởng vô cùng lớn. Hệ quả của tất cả những điều đó chính là không thể đạt được hiệu quả làm việc cao.
Số lượng doanh nghiệp ngành in ấn trong nước tăng đều theo từng năm
Tuy nhiên, một nghiên cứu thị trường đã chỉ ra một tương lai tốt đẹp hơn cho ngành bao bì trong nước, nghiên cứu cho rằng tổng dân số trên 80 triệu người cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bao bì sẽ có thể mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất bao bì trong những năm tới. Bằng chứng là, không ít nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra được tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này và dần bắt tay vào việc hợp tác với các công ty Việt Nam để tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Lý do giải thích cho việc này chính là nhờ vào lợi thế về chi phí lao động thấp, nhu cầu nội địa cao, thế nhưng, công nghệ sản xuất còn khá lạc hậu. Vì vậy, hợp tác với công ty Việt Nam chính là lựa chọn hoàn hảo cho các doanh nghiệp ngoài nước muốn đặt chân vào thị trường Việt.